Trường THCS Phan Chu Trinh (Buôn Ma Thuột) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào buổi lễ tổng kết năm học 2012 – 2013

Lượt xem:

Đọc bài viết

Một năm học nữa khép lại với nhiều thành tích trong dạy và học của  thầy và trò, ghi tiếp vào bảng vàng truyền thống của trường THCS mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Niềm vui nhân lên gấp bội khi Lễ tổng kết năm học 2012-2013, nhà trường vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nhiều năm liền, Trường THCS Phan Chu Trinh  luôn là lá cờ đầu khối THCS.
Nhiều năm liền, Trường THCS Phan Chu Trinh luôn là lá cờ đầu khối THCS.

 Kết quả từ phương pháp dạy-học tốt

“Không riêng gì tôi mà tất cả phụ huynh có con đã hoặc đang học tại trường đều trải qua tâm trạng hồi hộp, chờ đợi cho đến khi danh sách trúng tuyển vào lớp 6 có tên con mình được công bố; và cả hai mẹ con tôi cùng reo lên sung sướng” – chị Hồ Thị Được có con đang học lớp 9G bồi hồi nhớ lại. Ngày đầu tiên con đến lớp, chị tranh thủ nhét vào cặp con sữa, bánh ngọt cho bữa lỡ, nhưng cô bé lắc đầu nói: trường không có ăn giữa bữa. Thấm thoát 4 năm học trôi qua, những nôn nao, lo lắng ban đầu không còn nữa, giờ đây chị Được hiểu tại sao Trường THCS Phan Chu Trinh luôn là mong muốn và lựa chọn của nhiều phụ huynh cho con em mình. Thầy Phạm Đình Ban, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: niềm tin của phụ huynh không tự nhiên có được, mà trải qua một chặng đường đầy gian khó với sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của tập thể ban giám hiệu, giáo viên (GV). Không đợi đến khi Bộ GD-ĐT phát động cuộc vận động “Hai không” và “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, mà từ nhiều năm trước trường đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh (HS) để có kết quả học thật-thi thật. Trước tiên là đánh giá chất lượng đội ngũ GV để bố trí đúng người, đúng việc, phân công những người có năng lực chuyên môn giỏi, kinh nghiệm làm chủ nhiệm lớp. Cùng với đó biện pháp “khoán trọn gói” đòi hỏi GV phải nỗ lực hết mình, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Đây là sự cam kết chất lượng giữa GV và ban giám hiệu nên không còn tình trạng “đẩy đổ” trách nhiệm như nhiều năm trước. Đặc biệt, từ năm học 2008-2009 trường mạnh dạn đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng HS: đề bài được in trên giấy kiểm tra, phát trực tiếp cho HS; bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ thi theo đề chung và đổi chéo GV chấm. Điều này có nghĩa GV không coi thi và chấm bài đối với HS do mình trực tiếp dạy, nhờ đó hạn chế tiêu cực trong thi cử, trong dạy học và dạy thêm, học thêm. Điểm số của HS cũng được nhập vào máy vi tính dưới sự quản lý của ban giám hiệu, tránh được việc có thể sửa chữa kết quả. Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ trên, chất lượng giáo dục của trường không ngừng được nâng lên, từ năm học 2010-2011 đến nay, trung bình mỗi năm học có trên 400 em đạt danh hiệu HS giỏi cấp thành phố và tỉnh; nhiều em đạt danh hiệu cấp quốc gia (tiếng Anh, Toán trên Internet và các môn thể thao). Đặc biệt số HS của trường thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Du chiếm tỷ lệ gần 50% tổng số HS khối lớp 10 của trường này.

Giữ “ngọn lửa Phan Chu Trinh” cháy mãi

Hiện nay, có nhiều ý kiến trái chiều về việc tổ chức kiểm tra chất lượng vào lớp 6, nhưng theo Hiệu trưởng Phạm Đình Ban thì đây là đợt khảo sát đánh giá, phân loại chất lượng HS khi mới vào trường để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi. Hàng năm nhà trường đều đặn tổ chức thi thông tin phát hiện HS giỏi lớp 8 với 6 môn: tiếng Anh, tiếng Pháp, Văn, Toán, Lý, Hóa kịp thời phát hiện những em có tố chất để tiếp tục bồi dưỡng tham dự các kỳ thi HS giỏi cấp cao hơn. Đối với HS, nhà trường luôn động viên, tạo tâm lý thoải mái để các em học mà chơi-chơi mà học. Ngoài tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ do ngành giáo dục, Hội đồng Đội thành phố và Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tổ chức, trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi bổ ích cho các em rèn luyện về mọi mặt. Đặc biệt, trường còn thành lập các câu lạc bộ Toán Violympic, tiếng Anh Olympic, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và chất lượng giáo dục toàn diện, từ đó giáo dục HS ý thức kỷ luật, năng động, sáng tạo. Trong những buổi sinh hoạt, trao thưởng, nhà trường đều dành thời gian nêu gương những điển hình xuất sắc, vượt khó học giỏi của những khóa trước để các em noi gương. Em Vũ Hương Nam, HS lớp 9G nói: “Ở trường bạn nào cũng học giỏi, nên em phải cố gắng thật nhiều, nếu không sẽ bị thua các bạn. Ngoài kiến thức được thầy cô truyền đạt, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ giúp em có thêm ý thức tự học, tự tham khảo”. Ngoài giảng dạy về kiến thức văn hóa, các thầy, cô giáo Trường THCS Phan Chu Trinh còn giáo dục nhân cách, đạo đức, tác phong, tình cảm cho học trò. Thầy Biện Văn Minh, giáo viên môn Vật lý chia sẻ: đối tượng giáo dục của nhà trường là HS cấp 2, lứa tuổi đang trên bước đường hình thành nhân cách, do đó thầy cô giáo chăm lo cho các em như chăm những chồi non, uốn nắn từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử trong từng trường hợp, trong các mối quan hệ giữa gia đình cũng như xã hội. Chính niềm tin yêu của phụ huynh, học sinh là nguồn động lực thôi thúc đội ngũ cán bộ quản lý, GV không ngừng vươn lên về mọi mặt, để dạy dỗ các em tốt hơn.

Nhiều năm liền, trường THCS Phan Chu Trinh đã được ngành giáo dục, chính quyền các cấp tặng nhiều phần thưởng cao quý: UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 1995, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2008; Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2009, và năm 2012 Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.